Nguồn điện vô tận, đường vòng thâu tóm của đại gia ngoại
Bằng việc liên doanh liên kết với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, các tập đoàn lớn của nước ngoài đã có trong tay hàng chục dự án điện mặt trời với giá ưu đãi (hơn 2.100 đồng/số trong 20 năm).
Hàng chục dự án điện mặt trời có yếu tố “ngoại”
Theo tìm hiểu của PV. VietNamNet, chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc,… đã trở thành những ông chủ mới của các dự án điện mặt trời ở Việt Nam.
Điển hình là trường hợp Công ty năng lượng B.Grimm Power, một nhánh đầu tư của Tập đoàn Thái Lan B.Grimm. Ban đầu, công ty này liên danh liên kết với nhà đầu tư trong nước để làm dự án, rồi dần nâng sở hữu lên đa số. Trong đó, phải kể đến việc liên kết với DN trong nước để làm dự án điện mặt trời Dầu Tiếng.
Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng. Ảnh: Lương Bằng
Với công suất lên đến 420 MW, dự án điện mặt trời Dầu Tiếng ở Tây Ninh của Công ty CP Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh được coi là một trong những dự án lớn nhất Đông Nam Á về năng lượng sạch. Từ cuối 2019, công ty này đã đổi người đại diện theo pháp luật và chủ tịch HĐQT. Hiện ông Preeyanat Soontornwata, Chủ tịch B.Grimm Power là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh và nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Ông Preeyanat Soontornwata, Chủ tịch B.Grimm Power cũng chính là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP TTP Phú Yên (điện mặt trời Hòa Hội), Công ty TNHH Điện mặt trời Việt Thái.
Tập đoàn năng lượng Thái Lan Gulf Energy Development cũng đang sở hữu nhiều dự án điện mặt trời “khủng” sau khi mua lại cổ phần của Thành Thành Công, trở thành cổ đông chiếm 90-95% vốn tại hai dự án điện mặt trời tại Tây Ninh là TTC1 và TTC 2 và dự án năng lượng tại Bến Tre. Tháng 2/2020, các công ty này đồng loạt đổi tên từ Công ty CP Đầu tư phát triển năng lượng TTC thành Công ty CP Gulf Tây Ninh 1, 2.
Ông Prasert Thirati, Giám đốc công ty TNHH Gulf Việt Nam, cũng là người đại diện theo pháp luật của các công ty năng lượng tái tạo như Công ty CP Gulf Tây Ninh 1, Công ty CP Gulf Tây Ninh 2, Công ty CP Điện gió Mê Kong, Công ty CP đầu tư phát triển năng lượng TTC.
Hay Công ty Super Energy Corporation của Thái Lan từ giữa năm 2018 đã tiến hành mua lại cổ phần và đầu tư vào hàng chục dự án điện tái tạo tại Việt Nam (bao gồm cả điện mặt trời và điện gió) như Văn Giáo 1, Văn Giáo 2, Phan Lâm 1, Bình An, Thịnh Long, Sinenergy Ninh Thuận…
Không chỉ nhà đầu tư Thái Lan, các đối tác từ Ả Rập Xê Út, Philippines như ACWA, AC Energy cũng sở hữu nhiều dự án điện mặt trời ở Việt Nam.
Ngoài ra, ở Việt Nam hiện có một đội ngũ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, khảo sát, làm thủ tục cấp phép, đầu tư dự án năng lượng tái tạo. Họ được gọi với cái tên “nhà phát triển dự án”. Sau khi hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án, doanh nghiệp sẽ kêu gọi nhà đầu tư, chuyển nhượng cổ phần để triển khai thực hiện.
Mức giá 2.100 đồng/số áp dụng cho các dự án vận hành trước 7/2019 thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Vì sao nhà đầu tư nước ngoài phải đi đường vòng?
Chia sẻ với PV, một nhà đầu tư cho biết: Các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới hiếm khi tự đi phát triển dự án để tránh các vấn đề pháp lý, thủ tục. Ở Việt Nam cũng vậy. Một số nhà đầu tư trong nước sẽ thành lập doanh nghiệp, tiến hành nghiên cứu, khảo sát, làm thủ tục đầu tư dự án. Sau đó, chuyển nhượng lại cổ phần tại doanh nghiệp đó cho các nhà đầu tư có khả năng thực hiện dự án.
Điều này khá tương đồng với ý kiến của ông Fernando Fernando Zobel de Ayala, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành Tập đoàn Ayala (đơn vị liên doanh với BIM Group làm điện mặt trời) trên một tờ báo của Philippines khi giải thích về lý do chọn đối tác trong nước để liên kết. “Tôi nghĩ rằng khó đơn vị nước ngoài có thể đến vùng đất này, giải quyết các thách thức phải đối mặt mà không có một đối tác địa phương”, lời ông Zobel.
Về giá bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư này cho hay tùy thuộc vào giá bán điện của các dự án. Nếu nhà máy đã vận hành thương mại, giá bán điện 9,35cents/kWh và không bị giảm phát thì giá bán khoảng 1-1,1 triệu USD/MWp (bao gồm cả nợ ngân hàng). Nếu nhà đầu tư nào tiết kiệm được chi phí phát triển (đất đai, thủ tục) thì sẽ có lãi, còn một số dự án có chi phí đầu tư, phát triển dự án đã trên 1 triệu USD/MWp thì lãi không đáng kể.
Đại diện một DN đầu tư năng lượng tái tạo khác cho biết: Nhiều nhà đầu tư trong nước đã bán phần lớn cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ giữ lại một lượng cổ phần ít ỏi. Nhưng cần nhìn nhận đây là hoạt động kinh doanh thuần túy. Những dự án nào chưa bán lúc này thì chỉ có thể là vì chưa được giá như ý.
“Ví dụ, một dự án điện mặt trời 50 MW đầu tư hết khoảng 1.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 200 tỷ, còn lại 800 tỷ vay ngân hàng. Nếu bán dự án, trừ đi phần vay ngân hàng, họ có thể thu được hàng trăm tỷ đồng. So với số vốn bỏ ra ban đầu, đó là mức lợi nhuận rất tốt. Họ sẽ lại đem tiền đó để đi đầu tư các dự án khác”, đại diện doanh nghiệp này tiết lộ.
Trao đổi về việc nhà đầu tư nước ngoài sở hữu các dự án điện mặt trời, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, khẳng định đây đơn giản là câu chuyện của thị trường. Nếu dự án tốt thì sẽ có người mua cho nên không nên coi đó là việc gì đó nghiêm trọng.