Điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được mua với giá nào?
Với giá mua điện mặt trời mái nhà dư phát lên lưới điện quốc gia trên 1.000 đồng/kWh, dự báo nguồn điện này có thể sẽ “bùng nổ” trong thời gian tới.
Giá mua trên 1.000 đồng/kWh?
Theo Nghị định 135/2024 ngày 22.10 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản xuất, tự tiêu thụ, nguồn điện có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100 kW nếu không dùng hết, được bán điện dư lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế. Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia sẽ bằng “giá điện năng thị trường điện bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố”.
Một lãnh đạo ngành điện nhận xét quy định giá mua ĐMTMN dư thừa năm sau bằng mức giá mua điện dư hiện tại theo số liệu năm trước, nhằm tạo thuận lợi cho cả bên bán và bên mua điện. Năm 2023, giá điện năng thị trường bình quân theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) là 1.091,9 đồng/kWh. Như vậy, mức giá mua nguồn ĐMT tự sản xuất, tự tiêu thụ thừa năm 2024 khoảng trên mức 1.000 đồng/kWh.
So với giá mua các hệ thống ĐMTMN có thời điểm đưa vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ tháng 6.2017 – 6.2019 trong năm 2024 là 2.231 đồng/kWh, tương đương 9,35 US cent/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT); đối với các hệ thống ĐMTMN có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ tháng 7.2019 – 12.2020, giá mua điện (chưa bao gồm thuế GTGT) là 1.999 đồng/kWh, tương đương 8,38 US cent/kWh thì giá mua điện dư thừa từ nguồn ĐMT tự sản xuất, tự tiêu thụ chỉ bằng 1/2 giá mua ĐMT theo giá FIT ưu đãi trước đây.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự “tạm hài lòng” với mức giá mua mới. Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Vinasol, nhận xét mức giá trên 1.000 đồng/kWh là “quá tốt” và có thể nói là phù hợp với mục tiêu đề ra ban đầu của Nghị định là khuyến khích phát triển ĐMTMN để sử dụng. “Trước đây, khi Bộ Công thương đề xuất mức giá mua lại ĐMTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ của người dân chỉ từ 600 – 700 đồng/kWh, tôi nói rõ đó là giá mua khiến nhà đầu tư lỗ, chứ chưa hẳn là vừa đủ vốn. Như vậy, tính chất khuyến khích sẽ không có. Năm nay, với mức giá 1.000 đồng/kWh, so với chi phí đầu tư pin mặt trời hiện nay là tương đối phù hợp”, ông Việt nhận xét.
Trước đó, Bộ Công thương cũng từng đề xuất tạm áp dụng giá mua ĐMT dư thừa phát lên lưới điện quốc gia từ 600 – 700 đồng/kWh. Tuy nhiên, sau đó Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu bộ này nghiên cứu cơ chế bù – trừ hoặc theo giá chào bán thấp nhất trên thị trường điện cạnh tranh tại thời điểm mua. Theo một lãnh đạo ngành công thương, các yếu tố cấu hình nên giá ĐMT áp mái thường rất khác nhau, tùy vào từng nơi lắp đặt và không phải trường hợp nào cũng thực hiện tính toán được. Thế nên, khó có một biểu giá chung nhằm đảm bảo mục tiêu phải tính đúng, tính đủ cho mọi thành phần tham gia mua bán điện. Do đó, việc áp giá mua theo giá thị trường điện bình quân là khoa học. Qua đó, vẫn bảo đảm được mục tiêu cơ chế khuyến khích việc lắp đặt các hệ thống ĐMT áp mái tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Sẽ bùng nổ nguồn điện mặt trời, nếu…
TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế VN) nhận xét mức giá mua ĐMTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ dư thừa phát lên lưới quốc gia trên 1.000 đồng/kWh theo giá bình quân thị trường là “chấp nhận được”. “Chúng ta đã quá chậm để ban hành các chính sách liên quan ĐMT, gây lãng phí thời gian quá dài nguồn điện tái tạo này. Cơ chế mới khuyến khích phát triển ĐMT, trong đó giá mua đưa ra bằng giá bình quân thị trường năm sẽ sớm thu hút nguồn điện sạch này tăng trở lại. Thậm chí sẽ có sự bùng nổ, tăng mạnh nguồn ĐMTMN trong tương lai. Trong thực tế, vẫn có thể khuyến khích người dân đầu tư và mua sản lượng cao hơn mức 20% tại nơi thiếu điện như khu vực miền Bắc, vì nguy cơ thiếu điện ở khu vực này vẫn còn cao. Nên nhớ, mức giá ĐMT chúng ta đang mua theo giá FIT là trên dưới 2.000 đồng/kWh, trong khi giá mua mới chỉ bằng một nửa, khoảng 1.000 đồng/kWh. Nếu mở rộng được cơ chế khuyến khích này tại các vùng, khu vực đang “khát” nguồn năng lượng tái tạo, sẽ khắc phục phần nào nguy cơ thiếu điện. Mặt khác, quan trọng không kém là giúp giá thành điện EVN mua thấp hơn, giảm lỗ cho cho ngành và kìm đà tăng giá điện. Đó là chưa nói nguồn điện sạch cần được ưu tiên phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trái đất đang nóng lên, cần ưu tiên dùng điện sạch”, TS Trần Đình Bá phân tích.
Tuy nhiên, chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm lưu ý cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ có thể giúp nguồn ĐMT “bùng nổ” chỉ khi Quy hoạch điện 8 được sửa đổi. Bởi theo quy định, nguồn ĐMTMN có nối lưới điện quốc gia mới được phép bán không quá 20% tổng sản lượng lắp đặt. Còn lại, nguồn không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn công suất, nhưng không phát lên lưới, EVN không mua nguồn đó. Hơn nữa, công suất giới hạn đối với nguồn ĐMT tự sản xuất, tự tiêu thụ theo quy định tại Tổng sơ đồ 8 (Quy hoạch điện 8 – NV) được Thủ tướng phê duyệt, quy mô phát triển đến năm 2030 là hơn 12.836 MW, trong đó bao gồm 10.236 MW nguồn ĐMT tập trung và chỉ phê duyệt phát triển 2.600 MW ĐMT tự sản tự tiêu.
“Khi chúng ta chưa sửa đổi Quy hoạch điện 8, việc đánh giá hiệu quả, tác động cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mới hầu như không có kết quả trung thực. Bên cạnh đó, không bán lên lưới, nhưng các công trình ĐMT có thể bán qua lại cho nhà xưởng trong khu vực sẽ được triển khai theo hướng tinh gọn thủ tục, sẽ cụ thể thế nào… cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn”, TS Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.
Đề xuất áp dụng giá điện 2 thành phần từ đầu năm tới
Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vừa có báo cáo gửi Bộ Công thương đề xuất về cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất, giá điện năng) cho các nhóm khách hàng sản xuất và kinh doanh. Trên cơ sở tính toán của đơn vị tư vấn, EVN đề xuất phương án cơ sở – là hệ thống giá thuần túy phản ánh chi phí cung cấp điện và có xét tới đặc điểm tiêu dùng điện của các nhóm khách hàng. Theo đó, sẽ phân loại theo nhóm khách hàng gồm khách hàng ngoài sinh hoạt; khách hàng sinh hoạt có sản lượng tới 2.000 kWh/tháng; khách hàng có sản lượng trên 2.000 kWh/tháng; phân loại theo cấp điện áp gồm 4 cấp là siêu cao áp, cao áp, trung áp và hạ áp.
Lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần sẽ triển khai qua hai giai đoạn: thử nghiệm và chuyển đổi (áp dụng chính thức thí điểm với khách hàng được lựa chọn). Trong đó, giai đoạn thử nghiệm sẽ thực hiện trên dữ liệu thời gian thực song song với áp dụng biểu giá bán lẻ điện hiện hành để tính hóa đơn tiền điện đến hết năm 2024 đối với khách hàng sản xuất bình thường. Kết thúc giai đoạn thử nghiệm, sẽ hoàn thiện biểu giá 2 thành phần với đầy đủ các hành lang pháp lý. Phương án lý tưởng mà EVN đề xuất là từ 1.1.2025 sẽ triển khai cho toàn bộ khách hàng, nếu như giai đoạn thử nghiệm đề xuất trên được triển khai và kết thúc như dự kiến.
Hãy để LITHACO đồng hành cùng các bạn trong hành trình chuyển đổi năng lượng, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo các cách sau:
- Hotline: 1900 25 25 27
- Số điện thoại: 0918.886.502, 094.181.2233
- Zalo: 094.181.2233
- Địa chỉ: Tầng 12 Tòa nhà BW, số 15 Võ Văn Kiệt, Phường 16, Quận 8, TP.HCM
- Website: https://lithaco.vn
- Facebook: https://www.facebook.com/Lithaco.vn/