Việt Nam và một số quốc gia đặt mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) trước 2050 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất thế giới phải đối mặt. Hậu quả từ những cơn bão, hạn hán, lũ lụt đến mất mát về đa dạng sinh học đang đe dọa các nền kinh tế, đặc biệt là những nước đang phát triển. Trong bối cảnh đó, việc giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới Net Zero (phát thải ròng bằng 0) trở thành mục tiêu then chốt để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu và duy trì sự sống trên trái đất.

Hướng đến tìm kiếm giải pháp bền vững cho tương lai, Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc COP21 diễn ra tháng 12/2015 với sự tham gia của gần 200 quốc gia đã thông qua hiệp định Paris. Hiệp định này được thiết lập để thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Đây là sự kiện lịch sử trong việc hình thành khuôn khổ toàn cầu về khí hậu, thể hiện sự đồng thuận mạnh mẽ giữa các quốc gia về việc chống lại biến đổi khí hậu. Trước khi có Hiệp định Paris, các nỗ lực trước đây như Nghị định thư Kyoto (1997) không đủ mạnh để hạn chế phát thải khí nhà kính.

Hiệp định Paris khuyến khích các quốc gia đặt ra mục tiêu giảm phát thải riêng biệt (NDC – Nationally Determined Contributions). Điều này cho phép các quốc gia linh hoạt và thích ứng với tình hình cụ thể của mình.

Mục tiêu Net Zero toàn cầu

Để đối phó với biến đổi khí hậu, cộng đồng quốc tế đã có nhiều sáng kiến và cam kết hướng tới việc giảm phát thải khí nhà kính. Mục tiêu Net Zero, tức đạt mức phát thải ròng bằng 0, đã trở thành trọng tâm trong chiến lược của nhiều quốc gia.

Tại COP29 (năm 2024), Mỹ, Anh, và Liên minh châu Âu đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050. Trung Quốc đặt mục tiêu vào năm 2060, trong khi Ấn Độ sẽ hoàn thành vào năm 2070. Điều này thể hiện nỗ lực toàn cầu trong việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Hầu hết lượng khí thải chỉ đến từ một vài quốc gia

Năm quốc gia phát thải 60% lượng khí thải nhà kính (đo vào năm 2021) toàn cầu là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Liên minh châu Âu, Nga. Tiếp đến là nhóm các quốc gia như Argentina, Australia, Brazil, Canada, Pháp, Đức, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico…

Ngược lại, các nước kém phát triển nhất chiếm khoảng 3,8% lượng khí thải toàn cầu, trong khi các quốc đảo nhỏ đang phát triển đóng góp ít hơn 1%.

Mục tiêu Net Zero của Việt Nam

Mục tiêu 'Net Zero' của Việt Nam và các nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Anh ngày 1/11. Ảnh: AFP

Tại Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu trong khuôn khổ COP26 tại Glasgow, Anh hồi tháng 11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào năm 2050.

Ông khẳng định mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Phát thải ròng bằng “0” nghĩa là cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, có thể thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo. Lượng khí thải còn lại cũng phải được rừng và đại dương hấp thụ.

Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam, một quốc gia dễ bị tổn thương trước các thảm họa thiên nhiên.

Việt Nam đã xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và năng lượng. Trong đó, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng là trọng tâm.

Tại sao Việt Nam phải cam kết mục tiêu này?

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu, với mực nước biển dâng cao đe dọa các vùng đồng bằng và hàng triệu người dân sinh sống.

Điều này không chỉ gây tổn thất về kinh tế mà còn đe dọa an ninh lương thực và sự phát triển bền vững. Cam kết Net Zero là cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, bền vững.

Cam kết này đồng thời giúp Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Như vậy, việc Việt Nam hướng đến mục tiêu Net Zero không chỉ là trách nhiệm với cộng đồng quốc tế mà còn là hành động cần thiết để bảo vệ tương lai của chính mình trước các tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.

Nguồn: https://vnexpress.net/

Bình luận