“Khu vực gia đình tôi trồng cà phê và sầu riêng cách nơi có điện lưới gần nhất khoảng 20 km. Nếu tự đầu tư kéo điện, chi phí có thể lên tới 200 triệu đồng, lại khó triển khai do đường đi vào rất khó. Chưa kể thời tiết xấu có thể khiến đường điện bị ảnh hưởng bất cứ lúc nào”, anh Đông, sống ở huyện Krông Buk, nói.
Anh cho biết, gia đình từng tốn hàng chục triệu đồng mỗi lần để mua xăng dầu phục vụ tưới tiêu cho khu đất hơn 10 hecta, lại phải vận chuyển máy móc khó khăn. Điều này khiến anh tính đến các hệ thống máy phát điện hoặc năng lượng mặt trời. Cuối cùng anh chọn phương án thứ hai.
Tuy nhiên, thay vì thuê lắp đặt, anh quyết định tự đi học về kỹ thuật trong sáu tháng. Anh Đông tính khu đất cần khoảng 12 KW sử dụng thường xuyên cho tưới tiêu và 3 KW dự phòng cũng như sản xuất điện thắp sáng. Sau một tháng triển khai, hệ thống điện đi vào hoạt động. Gia đình anh Đông không còn đi về trong ngày, mà ở lại nhiều hơn tại nơi mình canh tác.
Nhận thấy hiệu quả của điện mặt trời, một số hộ dân canh tác gần đó cũng ngỏ ý muốn mua lại điện cho tưới tiêu. Anh sau đó tiếp tục nâng công suất lên 25 KW. “So với kéo điện lưới, chi phí lắp đặt toàn bộ hệ thống điện mặt trời cao hơn với 400 triệu đồng. Hình thức này không tiết kiệm hơn cách truyền thống như dùng điện lưới hay chạy máy phát điện, nhưng giúp tôi chủ động hơn trong công việc, nhất là bơm tưới”, anh Đông nói.
https://video.vnexpress.net/embed/v_349472
Hệ thống điện mặt trời công suất 18,5 KW của anh Cường. Video: Bảo Lâm
Văn Cường, 27 tuổi ở huyện Krông Năng, cũng quyết định đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời vì điện lưới khu vực nơi anh sinh sống và canh tác không ổn định, bị cắt thường xuyên. Từng học đại học chuyên ngành kỹ thuật điện ở TP HCM, anh tự học thêm về nguyên lý lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời.
Anh Cường sau đó hoàn tất hệ thống điện mặt trời công suất 18,5 KW, trong đó khoảng 15 KW dùng thường xuyên. “Chi phí cho toàn bộ, gồm pin quang điện, inverter, dây dẫn, giàn giáo… là 150 triệu đồng, tiết kiệm một nửa so với thuê các đơn vị thi công”, anh Cường cho biết. Anh cũng bán điện cho các hộ lân cận có nhu cầu, nhưng chủ yếu dùng để thắp sáng và phục vụ sinh hoạt. Theo dự tính, hệ thống của anh cần khoảng 2-3 năm để thu hồi vốn.
Anh Đông và anh Cường là hai trong số những người bắt đầu triển khai các hệ thống điện mặt trời công suất lớn hơn 10 KW ở các khu vực khó tiếp cận, thay vì 1-10 KW phổ biến. Chúng chủ yếu được sử dụng cho nhu cầu tưới tiêu tự động diện tích lớn. Bên cạnh thuê các bên thứ ba thi công, họ cũng tự học và lắp đặt để tiết kiệm chi phí.
Điểm chung của các hệ thống này là chỉ bao gồm pin quang điện, bộ chuyển đổi điện năng, inverter và dây dẫn, không có bộ lưu trữ. Đối với các gia đình có nhu cầu khác, họ có thể đầu tư thêm bộ lưu trữ nhưng chỉ giới hạn ở mức công suất nhất định.
Khó khăn lớn nhất là vận chuyển linh kiện đến nơi thi công. “Do đường sá gập ghềnh, đường nhỏ… để đưa các tấm pin tới nơi mà không hỏng hóc rất vất vả. Tôi cũng đã thiệt hại năm tấm pin do nứt vỡ trong quá trình vận chuyển”, anh Đông kể. “Bên cạnh đó, do khu vực thi công thường có gió to, việc lắp đặt cũng cần chắc chắn, cẩn thận”.
Trong khi đó, anh Cường cho rằng để vận hành hệ thống điện mặt trời công suất lớn cần am hiểu kỹ thuật, tránh các sự cố như cháy nổ hay bị điện giật. Khi mới thi công, hệ thống của anh cũng bị hỏng một inverter vì lắp sai cách. Quá trình vệ sinh cũng khó khăn do giàn chứa pin năng lượng mặt trời thường cao trên 10 mét, lại đặt ở khu vực quang đãng. Ngoài ra, chúng cũng cần có hệ thống tiếp địa an toàn, không đấu nối trực tiếp với hệ thống chống sét, tránh tình trạng dòng sét cao làm cho tấm pin và inverter hỏng.
Ngô Thu, người có nhiều năm kinh nghiệm về điện năng lượng mặt trời, đánh giá việc tự thi công các hệ thống này giúp tiết kiệm được chi phí nếu so với thuê bên thứ ba. Đây cũng là dạng nhiên liệu sạch, chi phí vận hành thấp và an toàn hơn điện lưới. “Tuy nhiên, người thi công phải thực sự hiểu các quá trình, từ lắp đặt giàn pin, đấu nối cho đến vận hành, bảo dưỡng… để tránh các sự cố xảy ra, vì các hệ thống này có công suất cao hơn hẳn loại điện mặt trời dân dụng thông thường”, anh nhấn mạnh. Theo anh, khi mua các thiết bị năng lượng mặt trời, người dùng nên chọn các nhà cung cấp đã có tiếng trên thị trường. Ngoài ra, cần xem xét đến các điều khoản, thời gian áp dụng chính sách bảo hành.
Nguồn: vnexpress.net