Giá điện sẽ tăng?
TTO – Việc xây dựng Quy hoạch điện VIII với kịch bản ưu tiên nguồn năng lượng tái tạo, điện khí giá cao trong khi nhu cầu điện thương phẩm tăng 8%, giá điện bán lẻ trung bình giai đoạn 2021-2050 được dự báo có thể tăng từ 5-8%/năm.
Nguồn tích năng, tuabin khí chu trình đơn sử dụng LNG và động cơ ICE (dùng LNG) sẽ là những nguồn điện linh hoạt dự kiến được đưa vào sử dụng sau năm 2025, theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đang được Bộ Công thương xây dựng.
Tăng tỉ trọng nguồn điện giá cao
Ông Phạm Minh Thành, giám đốc quốc gia của Wärtsilä VN, cho rằng khi nhu cầu phát triển điện năng lượng tái tạo nâng lên, đặt ra thách thức rất lớn trong việc đảm bảo vận hành hệ thống điện. “Điện tái tạo có ưu điểm là nguồn sạch, xây dựng nhanh chóng nhưng tính chất vận hành không ổn định. Do vậy, cần phải bổ sung các nguồn điện linh hoạt như dự thảo xây dựng nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống” – ông Thành nói
Theo ông Thành, những nguồn linh hoạt như động cơ đốt trong (ICE) có ưu điểm là phản ứng nhanh khi nguồn điện năng từ năng lượng tái tạo sụt giảm bất thường, chỉ cần 2 phút sẽ đạt mức tải 100%. Thời gian xây dựng và lắp đặt chỉ khoảng 1 năm, với mỗi tổ máy là 18 MW và lắp đặt tối đa tùy nhu cầu nên xây dựng rất thuận tiện. Tuy nhiên, với thị trường điện cạnh tranh chưa vận hành hoàn chỉnh, nhà đầu tư hệ thống ICE sẽ chịu rất nhiều áp lực khi tham gia thị trường mới này.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng ưu tiên phát triển nguồn điện khí thay vì điện than. Cơ cấu nguồn mới sẽ bổ sung 3.200 MW tuôcbin khí hỗn hợp sử dụng LNG tại miền Bắc. Trong khi đó, các dự án nhiệt điện than (vốn có giá rẻ hơn) với tổng công suất 17 GW dự kiến sẽ không được xây dựng thêm, thậm chí là loại bỏ.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực điện khí, bà Bùi Thị Hồng Vân, giám đốc Công ty Angelin Energy, cho biết để nhập khẩu LNG cần có giải pháp đồng bộ, đơn cử như cần có trạm thu và lưu trữ tại đất liền, trạm kho nổi chứa và tái hóa khí, đòi hỏi đầu tư và vốn lớn, nên chi phí giá thành sẽ rất cao.
Trong khi đó, mức giá của nhiệt điện khí đang ở tốp đầu trong các nguồn điện. Theo khung giá phát điện cho năm 2020 được Bộ Công thương phê duyệt năm 2019 (chưa bao gồm VAT, thuế, phí…), giá áp dụng cho nhà máy thủy điện là 1.110 đồng/kWh, điện than gần 1.500 đồng/kWh.
Cơ chế giá FIT cho điện mặt trời dao động từ 1.644 – 1.943 đồng/kWh, điện gió ở mức 1.900 – 2.200 đồng/kWh. Tuy nhiên, giá điện khí (sử dụng khí lô B) là khoảng 2.800 đồng/kWh theo tính toán của EVN. Với tỉ trọng nguồn điện giá cao càng lớn, áp lực điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân càng tăng, khi giá các nguồn này đều cao hơn so với giá bán lẻ bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng/kWh.
Giá điện trung bình tăng từ 5-8%?
Trong dự thảo quy hoạch phát triển nguồn vừa được công bố, Viện Năng lượng (Bộ Công thương) dự báo trong giai đoạn 2021-2030, GDP tăng khoảng 7%/năm, giảm xuống 6-5% cho 20 năm sau đó. Theo đó, dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt ra giả thiết giá điện trung bình có thể tăng 5-8% trong giai đoạn 2021-2050. Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi cơ cấu tỉ trọng nguồn điện có sự thay đổi đáng kể.
Cụ thể, điện than sẽ giảm khoảng 30% nhưng điện khí tăng thêm 42% với gần 7,8 GW và điện gió tăng thêm gấp 3 lần với 13 GW, điện mặt trời tăng thêm 6,2 GW (gấp gần 2 lần). Vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện cho 10 năm tới sẽ hơn 110 tỉ USD. Viện Năng lượng cũng tính toán, chi phí sản xuất điện trung bình liên tục tăng từ mức khoảng 7 USCent/kWh vào năm nay lên mức 8 USCent/kWh vào 2025 và vượt mức này vào các năm tiếp theo.
Nhìn từ góc độ giá điện trong phát triển nguồn điện, ông Đoàn Văn Bình, viện trưởng Viện khoa học năng lượng (Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), cho rằng mỗi kịch bản nguồn cần phải ứng với kịch bản giá điện. Do đó, cần phải xác định rõ cơ cấu nguồn thủy điện, điện than, điện khí, điện tái tạo gồm gió, mặt trời… để có kịch bản giá bình quân nhằm lựa chọn phát triển nguồn cho phù hợp.
“Mỗi kịch bản nguồn phải gắn với kịch bản về giá, cơ cấu nguồn khác thì giá điện sẽ khác. Ví dụ nhu cầu tiêu thụ là 500 tỉ kWh sẽ có giá khác hẳn với nhu cầu điện là 550 tỉ kWh, bởi sẽ phải huy động nguồn giá cao. Vì thế, dự báo sát nhu cầu gắn với nguồn huy động và các mức giá vừa có tính cảnh báo và dự báo xã hội về việc sử dụng và tiêu thụ điện hiệu quả, tiết kiệm cũng như tác động thay đổi cơ cấu các ngành” – ông Bình cho hay.
Ảnh: LITHACO
* Ông HÀ ĐĂNG SƠN (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh): Hạn chế ra quy hoạch rồi liên tục điều chỉnh
Quy hoạch điện VIII đưa ra dự báo nhu cầu cho khoảng thời gian quá dài (tới 2045), trong khi vẫn chưa có chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tương ứng. Do đó, liệu có độ vênh hay không nếu sau này quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội được ban hành?
Đang có những bất cập trong vấn đề quy hoạch ở cấp địa phương, khi danh mục dự án điện (nguồn và lưới) đề xuất hiện tại và trong tương lai phụ thuộc nhiều vào các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương, cũng như quy hoạch đất và quy hoạch không gian biển. Vậy quy hoạch điện sẽ là đầu vào cho các quy hoạch nêu trên, hay ngược lại?
Từ thực tế phát triển quy hoạch điện mặt trời thời gian qua, nhà đầu tư phải mất tới hơn một năm để chờ chính sách thay thế. Do đó, Quy hoạch điện VIII được xây dựng với độ mở cao hơn thì đi kèm với đó phải là cam kết chính sách kịp thời của Chính phủ để đảm bảo thực hiện hiệu quả nhất, hạn chế tối đa sự điều chỉnh quy hoạch.