Các đối tác nước ngoài đang bơm hàng tỉ USD vào xây dựng các nhà máy điện tại Việt Nam (VN). Từ đó có thể giúp bù đắp sự thiếu hụt nguồn điện, giúp giải quyết nhu cầu năng lượng sạch và đáp ứng sự tăng trưởng cho nền kinh tế.

Cơ hội mới cho tư nhân

Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ vừa ký thỏa thuận hợp tác, phát triển các dự án năng lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại VN.

Cụ thể, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh doanh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2020 diễn ra ngày 28-10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: Tập đoàn AES sẽ ký một thỏa thuận với Petro Vietnam Gas để phát triển một nhà máy nhập khẩu LNG trị giá 2,8 tỉ USD và một nhà máy điện tại VN.

“VN đã bật đèn xanh cho AES để tiến hành dự án. Thỏa thuận này sẽ mở ra cánh cửa cho việc nhập khẩu LNG trị giá hàng tỉ USD của Mỹ vào VN mỗi năm và đôi bên cùng có lợi” – ông Pompeo cho biết.

AES là tập đoàn năng lượng nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất Mỹ do tạp chí Fortune bình chọn và là một trong những công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực năng lượng.

Cũng tại diễn đàn trên, các tập đoàn lớn của Mỹ gồm Delta Offshore Energy, Bechtel Corporation, General Electric và McDermott đã ký thỏa thuận phát triển dự án điện từ khí hóa lỏng ở Bạc Liêu với tổng giá trị đầu tư lên đến 4 tỉ USD.

Dự án điện khí sử dụng khí hóa lỏng ở Bạc Liêu sẽ cung cấp 3.200 MW điện cho tỉnh Bạc Liêu và VN. Qua đó có thể tạo ra hơn 20 tỉ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia, giúp giải quyết nhu cầu năng lượng sạch, ổn định với giá cả cạnh tranh.

Đại sứ quán Mỹ tại VN đánh giá đây là mô hình tiêu biểu cho quan hệ song phương VN – Mỹ về thương mại, đầu tư và an ninh năng lượng. Nó cũng mở ra chân trời mới cho các hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở VN.

Bên cạnh đó, Tập đoàn General Electric và VinaCapital cũng ký biên bản ghi nhớ phát triển dự án điện khí từ khí hóa lỏng Long An với công suất 3.000 MW. Đây là một trong những dự án điện lớn nhất tại miền Nam VN, đáp ứng khoảng 8% nhu cầu năng lượng của quốc gia khi đi vào vận hành…

Trước đó, vào tháng 7-2020, các công ty Đan Mạch đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bình Thuận để phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, tỉnh Bình Thuận, có công suất dự kiến 3,5 GW. Vốn đầu tư của dự án này ước tính lên tới 10 tỉ USD và được mô tả là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại VN, đồng thời sẽ là tiền đề thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác vào các dự án điện gió ngoài khơi tại nước ta.

Ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại VN, cho biết việc ký kết này đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với dự án điện gió ngoài khơi La Gàn. “Đây chắc chắn là một lựa chọn tốt để chính phủ VN đưa vào Quy hoạch phát triển điện 8, không chỉ để tạo động lực khởi đầu tốt cho cả ngành công nghiệp, mà còn thể hiện sự quan tâm tích cực và mạnh mẽ của Chính phủ trong nỗ lực chuyển đổi ngành năng lượng VN theo hướng xanh và bền vững hơn” – ông nói.

Hàng loạt ông lớn năng lượng thế giới vào Việt Nam

Sức hấp dẫn lớn

Sức hấp dẫn của thị trường điện VN đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào xây dựng các nhà máy điện. Đó là nhu cầu điện tăng do ngành công nghiệp sản xuất đang phát triển mạnh.

Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, cho biết về năng lượng thủy điện, nhìn chung khu vực miền Bắc và miền Trung đã khai thác hết, miền Nam còn lại vài khu vực nhỏ. Như vậy cả ba miền chủ yếu còn lại sẽ tập trung khai thác cho nhiệt điện, tuabin khí và năng lượng tái tạo.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, VN sẽ thiếu điện khoảng 6,6 tỉ kWh năm 2021, khoảng 11,8 tỉ kWh vào năm 2022 và đỉnh điểm là 15 tỉ kWh vào năm 2023. 

Bức tranh chung của ngành điện thì đến năm 2025, theo quy hoạch, tổng nguồn cần đáp ứng là 90.000 MW và đến năm 2030 sẽ phải đạt được 110.000 MW. Hiện công suất, nhu cầu điện năng tăng cao và tăng rất đều đặn với tốc độ tăng trưởng hằng năm dự kiến mức 10%/năm và mức tăng trưởng này sẽ duy trì trong thời gian dài. Do đó, nhìn về cung cầu đang có sự mất cân đối, trong đó có những thời điểm đã huy động hết các nguồn nhiệt điện, thậm chí phải phát điện chạy dầu rất đắt đỏ.

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cũng phân tích: Nhìn về thị trường điện rõ ràng có nhiều dư địa cho các chủ đầu tư tham gia vào khai thác và kiếm lợi. Đó là lý do chính khiến các tập đoàn nước ngoài nhảy vào thị trường điện khá nhiều trong thời gian gần đây.

Đầu tư vào ngành điện đòi hỏi số vốn đầu tư ban đầu rất lớn, nhất là đầu tư tài sản cố định và thường dùng vốn vay. Với cấu trúc vốn này, thường các doanh nghiệp dễ lỗ trong những năm đầu tiên đi vào vận hành do lãi vay. Điều này khiến các chủ đầu tư nội e ngại khi tính toán tham gia đầu tư xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, khi trả hết nợ, chi phí lãi vay…, dòng tiền còn lại dành cho chủ sở hữu sẽ rất lớn.

“Các nhà máy điện được đầu tư từ dòng vốn ngoại sẽ giúp bù đắp nhu cầu về điện đang ngày càng tăng. Một điều đáng lưu ý là các nhà đầu tư nước ngoài như Mỹ hay Đan Mạch chủ yếu đầu tư nhà máy điện khí và năng lượng tái tạo, như vậy trong tương lai sẽ giúp VN giảm ngoại tệ mua nguyên liệu than đá để chạy các nhà máy nhiệt điện hay nhập khẩu điện. Chưa kể làm giảm giá mua điện trên thị trường phát điện cạnh tranh và giảm áp lực phát điện của các nhà máy nhiệt điện” – ông Phương nhận định.

Đại gia Thái rót vốn khủng vào ngành điện

Vào những tháng đầu năm 2020, Tập đoàn Super Energy (Thái) thông báo mua lại bốn dự án điện mặt trời tại VN với tổng công suất 750 MW.

Đây là các dự án điện mặt trời nằm ở tỉnh Bình Phước, đang được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) mua điện trong vòng 20 năm. Tổng số tiền bỏ ra để mua lại các dự án này là 457 triệu USD.

Tập đoàn BG Container Glass (BGC), nhà sản xuất bao bì lớn nhất Thái Lan, mới đây cũng cho hay đang có giao dịch với các nhà đầu tư tại VN để mua các trang trại điện mặt trời với giá trị giao dịch dao động 800-1.600 tỉ đồng.

Ông Silparat Watthanakasetr, Giám đốc điều hành BGC, giải thích quyết định đầu tư vì VN đang có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo và nhu cầu sử dụng điện lớn trong tương lai. 

PHƯƠNG MINH

Bình luận