Với các kịch bản điện hoá giao thông nêu trên, TS. Nguyễn Quốc Khánh cho biết, nhu cầu tiêu thụ điện trong thời gian tới là rất lớn. Trong đó, kịch bản 1 nhu cầu về điện năng không lớn. Tuy nhiên ở kịch bản 2 và 3, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng qua các năm.
Cụ thể, với kịch bản 2, nhu cầu tiêu thụ điện vào năm 2030 trong lĩnh vực giao thông cần khoảng 4 tỷ kWh, tương đương điện lượng của 1/2 nhà máy Thủy điện Hòa Bình; năm 2050 là 17,57 tỷ kWh, tương đương 2 nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
“Còn với kịch bản 3, nhu cầu điện cho lĩnh vực giao thông khoảng 8,48 tỷ kWh vào năm 2030, tương đương nhà máy Thủy điện Hòa Bình; con số này tăng lên 72 tỷ kWh vào năm 2050, tương đương 10 nhà máy Thủy điện Hòa Bình”, ông Khánh nhấn mạnh.
Tối ưu hoá các trạm sạc bằng năng lượng sạch
Cũng tại toạ đàm, ông Trần Quang Hà – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) nhìn nhận, dòng xe điện 2 bánh phát triển rất rầm rộ trong thời gian vừa qua như xe đạp điện, xe máy điện, hệ thống tiêu chuẩn về dòng này đã khá đầy đủ. Còn đối với hệ thống tiêu chuẩn về xe ô tô điện đang tiếp tục được xây dựng và cập nhật.
Ông Hà cho biết, bộ GTVT đã có chủ trương xây dựng các quy định liên quan đến xe điện như an toàn điện, động cơ, pin, hệ thống điều khiển, an toàn thông tin, chuẩn sạc… Các tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng trên cơ sở hài hòa các tiêu chuẩn quốc tế.
“Trong năm 2022 sẽ ban hành kế hoạch xây dựng quy chuẩn về pin. Trên thực tế, để đầu tư và thử nghiệm theo quy chuẩn quốc tế là vấn đề rất nan giải, bởi nó liên quan những yếu tố kỹ thuật như rung động, môi trường. Việt Nam đi sau, làm sau nên phải học hỏi kinh nghiệm quốc tế, chấp nhận kết quả thử nghiệm của nước ngoài”, ông Hà nói.
Theo vị đại diện Bộ GTVT, Bộ sẽ có những chính sách về thuế phí cho phù hợp khi người dân chuyển sang sử dụng xe thuần điện.
Còn theo TS. Nguyễn Đức Tuyên – Viện Điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, trên thực tế, ngoài khoảng 200 trạm sạc của Vinfast thì hầu như chưa hề có, các tiêu chuẩn kỹ thuật ở Việt Nam cũng chưa thống nhất.
Để có cơ sở thúc đẩy sự phát triển xe điện ở Việt Nam, ông Tuyên cho rằng cần hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, như yêu cầu kỹ thuật và an toàn điện với hệ thống sạc nhanh, thay thế pin và ắc quy. Đồng thời, tối ưu hoá các trạm sạc và vị trí sạc pin bằng việc sử dụng các nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo, quản lý cân bằng công suất lưới.
Bên cạnh đó, ông Tuyên cũng cho rằng, Chính phủ cần có nhiều loại hình chính sách riêng dành cho người tiêu dùng như hỗ trợ trực tiếp vào giá mua xe, thuế, chi phí sạc, lắp đặt trạm sạc tại; chính sách cho nhà sản xuất, phân phối như hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy trình tạo điều kiện cho doanh nghiệp; hay chính sách cho bên nghiên cứu đào tạo như xây dựng trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chế tạo, sản xuất, vận hành, dịch vụ xe điện.
Nói về lộ trình cho phát triển xe điện Việt Nam, ông Tuyên cho rằng cần đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu, hợp lý hoá về kinh tế, tạo điều kiện cho thị trường. Trong đó, cũng cần chú trọng tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, bà Nguỵ Thị Khanh – Giám đốc Green ID cho rằng, người tiêu dùng là đối tượng chính là đối tượng mà các nhà sản xuất xe hướng tới. Việc tạo niềm tin cho nhóm này, theo bà Khanh đây là vấn đề “cực kỳ quan trọng”. Bà Khanh cũng cho rằng, để làm được điều này rất cần sự hỗ trợ, dẫn dắt của Chính phủ Việt Nam.